Vài nét về lịch sử ấn chương

Đại La Quán | 29/12/2021

Vài nét về lịch sử ấn chương

 Ngũ Nhạc Quán  31/08/2018

vai-net-ve-lich-su-an-chuong

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ ẤN CHƯƠNG

        Ấn chương (印章) mà ta vẫn thường gọi là con dấu, hay ấn tín; tuy chỉ là một vật dụng nhỏ bé, nhưng lại mang tính thực dụng và nghệ thuật hết sức to lớn.  

      Đứng về mặt thực dụng, ấn chương hay con dấu là bằng chứng trọng yếu trong việc hành sử quyền lực chính trị của một quốc gia hay một chính quyền. Còn đứng về phương diện tư nhân và hoặc giao dịch thương mại, mậu dịch qua lại,  ấn chương là một tín vật không thể thiếu được.

        Còn đứng về phương diện nghệ thuật, bản thân của ấn chương cũng là một tác phẩm 
nghệ thuật, được sáng tạo một cách tinh nhã, trạm chỗ chi li tỉ mỉ công phu, với những hoa 
vằn nhỏ bé, âm dương biến ảo, cùng với  nghệ thuật thư hoạ của Trung Quốc, song hành đắp bù cho nhau. Vì thế, từ hàng ngàn năm nay trong suốt lịch sử các Quốc gia Phương Đông, dù xẩy ra những biến đổi cơ chế xã hội, nhưng tác dụng của ấn chương vẫn không thay đổi. 

         1. Nguồn gốc của ấn chương.  
 
        Sự xuất hiện ấn chương ở Trung Quốc, đã có một lịch sử lâu dài. Ấn chương có một sự quan hệ mật thiết đối với sự phát triển giao hoán thương phẩm, vì ấn chương là bằng chứng của sự giao hoán thương phẩm, hóa vật và là tín vật trao đổi vật phẩm cho nhau.  Các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, cho rằng "ấn chương" đã xuất hiện rất sớm cách nay mấy ngàn năm. Ngay từ thời nhà Ân, người Tầu đã biết dùng vật nhọn để khắc những bức hoạ tượng hoa vằn lên những hòn đá, thường thường là nhân vật, động vật, thực vật, nhưng đó mới chỉ là sự manh nha của  ấn chương, nhưng cùng với sự mở rộng việc trao  đổi thương phẩm và chế độ tư hữu chế dần dà được thiết lập, ấn chương  cũng mỗi ngày được sử dụng rộng rãi thêm.  Có người cho rằng ấn chương xuất hiện ở vào thời kỳ Tây Chu và Chiến Quốc và Tây Hán chỉ là loại "tiêu hình ấn 肖形印", tức những hình vẽ giống hình vẽ cụ thể ở ngoài, còn những hoa vằn đồ án của tiêu hình ấn rất là phồn tạp. 

          2. Các danh xưng của ấn chương  
 
         Thời Tiên Tần, bất luận quan ấn hay tư ấn đều gọi là "tỉ璽", hoặc "tỉ tiết 璽 節", không có sự phân biệt lớn nhỏ, quý tiện, và cũng không thống nhất về mặt hình thức.  
-Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi các quốc quân bổ nhiệm quan lại của mình, đều cấp phát  "tỉ", tức "quan ấn 官印" cho họ để làm bằng chứng.  "Tỉ " có thể làm bằng ngọc, bằng kim loại, hay bằng đồng. Dùng "tỉ 璽" của quốc quân hay quan viên đóng trên văn thư thì gọi là "tỉ thư 璽 書".  

          -Cho đến khi Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc, về phương diện chế tạo, danh xưng, và sử dụng  của ấn chương mới được chặt chẽ  qui định.  Tần Thủy Hoàng  qui định rằng "tỉ 璽" là từ dành riêng để gọi ấn của hoàng đế, và "tỉ" phải được chế và khắc trên ngọc, vì thế  nên được gọi là "ngọc tỉ", còn ấn ký hoàng đế được gọi là "tỉ thư 璽書". Cho nên "tỉ thư" trở thành từ ngữ chuyên môn để chỉ chiếu thư và sắc mệnh của hoàng đế.  Còn ấn của quan viên thì được chế bằng đồng. Sự khác biệt đẳng cấp giữa các quan lại được qui định bằng mầu sắc của các giây thao dùng để đeo ấn.  

          Nhà Hán theo lệ nhà Tần, cũng gọi "ấn" của nhà vua gọi là "tỉ 璽", còn ấn của quan lại thì lại gọi là "chương 章", hoặc "ấn 印", còn của tư nhân thì gọi là "ấn tín 印信".  

         -Đến đời Đường, nhân âm "tỉ 璽" cận âm với âm "tử 死", nên tỵ húy, gọi ấn của nhà vua là "Bảo 寶".  Về cơ bản, quan ấn của các vương triều phong kiến Trung Quốc thừa tập chế độ ấn chương của nhà Tần. Còn tư ấn, thì từ đời Lưỡng Hán trở về sau, giấy được xử dụng một cách rộng rãi, kèm theo sự phát triển của nghệ thuật hội họa, thư pháp, nên việc xử dụng tư  ấn cũng nhiều hơn.  Theo truyền thuyết, thì người đầu tiên sử dụng ấn đóng lên trên thư, họa là Lý Thế Dân, tức Đường Thái Tông. Rồi do các quân vương các đời sau đề xướng, các văn nhân mặc khách bắt chước theo, đều thích sử dụng ấn in trên tranh vẽ và thư pháp của mình.  Từ hai triều Thanh Minh cho đến hiện đại, một số lớn nhà hội họa, và các thư pháp gia như Triệu Mạnh Phủ, Vương Miện, Thạch Đào đều coi ấn chương là một bộ phận trọng yếu trong những tác phẩm thư họa của họ.

          3. Sự quan trọng của ấn chương.  
 
          Mất ấn, đồng nghĩa với mất quan.  
        Trong xã hội phong kiến ngày xưa, quan ấn là tượng trưng cho quyền lực mà hoàng đế ban cho quan lại, tuy chỉ là một vật nhỏ vuông vức không quá mộ tấc, nhưng từ vương công đại thần đến hàng huyện lệnh, châu mục, đều cực kỳ trọng thị, bảo vệ, gìn giữ. Ấn còn, quyền còn. Ấn mất, quan mất.  

       Trong "Tây Du Ký " của tác giả Ngô Thừa Ân, người đời nhà Minh, ở hồi thứ chín, tác giả có thuật câu chuyện về người cha của Đường Tam Tạng là Trần Ngạc, còn có tên là Quang Nhị, đậu tiến sĩ được bổ nhiệm làm Thứ Sử Giang Châu. Ông mang chiếc ấn do triều đình cấp cho, tức quan ấn, cùng người vợ là Ân Thị tới nhiệm sở. Không ngờ trên đường đi, bị tên cường tặc là Lưu Hồng đánh chết rồi đẩy xác xuống sông. Sau đó, Lưu Hồng lấy quần áo của Trần Ngạc để mạo danh Trần Ngạc, mang theo quan ấn, cùng Ân Thị  nghiễm nhiên đến nhiệm sở tựu chức.  

       Bấy giờ Ân phu nhân đang có thai, vì muốn con sau này có thể báo được thù cho cha nó nên  buộc phải ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhịn sống với Lưu Hồng. Sau khi sinh nở, Ân phu nhân đem con để trên một chiếc bè tre, rồi thả xuống dòng sông Trường Giang. Đứa bé trôi đến Kim Sơn Tự ở Trấn Giang thì được một vị sư ở chùa này vớt lên mang về nhà nuôi, sau cũng đi tu trở thành hòa thượng, tức Huyền Trang. Khi Huyền Trang lên 18 tuổi mới cùng mẹ định kế, bẩm rõ với triều đình, giết được tên đạo tặc Lưu Hồng, báo được thù cho cha.  Sau khi sinh nở, Ân phu nhân đem con để trên một chiếc bè tre, rồi thả xuống dòng sông Trường Giang. Đứa bé trôi đến Kim Sơn Tự ở Trấn Giang thì được một vị sư ở chùa này vớt lên mang về nhà nuôi, sau cũng đi tu trở thành hòa thượng, tức Huyền Trang. Khi Huyền Trang lên 18 tuổi mới cùng mẹ định kế, bẩm rõ với triều đình, giết được tên đạo tặc Lưu Hồng, báo được thù cho cha.  Một tên cường đạo, chỉ vì ăn cắp được quan ấn mà trở thành một trưởng quan của một châu trong suốt mười tám năm, đây thật là một việc khôi hài, nhưng đã thực sự xẩy ra.  

      Tuy Tây Du Ký chỉ là một tác phẩm văn học, viết theo lối thần thoại tiểu thuyết, cố sự mang nhiều tính chất hư cấu, nhưng  đã cho người  đọc thấy rõ cái tập tục trong sinh hoạt quan trường  dưới xã hội phong kiến ngày xưa là người làm quan chỉ được công nhận khi có ấn tín cầm tay, mà không cần biết đến người làm quan là thực hay người giả.  
       Thật là một tập tục kỳ quái.  

      Ấn còn thì quyền còn, mất  ấn thì mất quan, mất quyền, thậm chí mất cả tính mệnh, như trường hợp của Trần Ngạc, cha của Đường Tăng trên đây. Nên đối với quan lại, việc bảo vệ, gìn giữ ấn chương là một việc ưu tiên hàng đầu phải nghĩ tới khi ra lam quan. 

        4. Sự ra đời của Truyền Quốc Ngọc Tỉ (傳 國 玉 璽)

       Như trên đã trình bầy, "ấn tín 印信" của quan lại là tượng trưng cho quyền lực của quan lại được nhà vua ban cấp.  Còn "ngọc tỉ 玉 璽" của hoàng đế, là đại biểu và tiêu chí cho quyền lực tối thượng của chính bản thân hoàng đế. Chẳng những thế, "ngọc tỉ" còn là được coi là quốc bảo, nên được cất giữ tôn trọng truyền từ đời này sang đời khác. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của mình, các vua chúa dù là soán đoạt, hay thiền nhượng, thường cố công tìm cách chiếm cho được "Truyền Quốc Nọc Tỉ".

        Nguyên là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, để chứng tỏ quyền uy tối cao vô thượng của mình, bèn ra lệnh cho ngọc công là Tôn Thọ dùng một loại ngọc quý nổi danh đương thời là loại ngọc Hòa Thị, để tạo cho ông ta một viên "ngọc tỉ" làm bảo vật truyền quốc, gọi là "Truyền Quốc Ngọc Tỷ".  

        Viên ngọc tỉ này vuông vức bốn tấc, phía trên khắc hình con rồng cuộn khúc, thập phân tinh xảo khéo léo, phía dưới khắc tám chữ triện, do chinh tay Thừa Tướng Lý Tư viết chiếu theo ý của Tần Tủy Hoàng là:" Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương 受 命 于 天 既 壽 永 昌", có ý nghĩa là  ngôi hoàng đế của Tần Thủy Hoàng là do "thiên thụ", trời ban cho;và sẽ tồn tại mãi mãi đến Nhị Thế, Tam Thế, Tứ Thế…muôn đời sau. 

      5. Lịch sử Ấn Chương ở Việt Nam

       Việt Nam có một truyền thống ấn chương lâu đời, các thư tịch cổ đã chép rằng các Lạc tướng có ấn đồng dây thao xanh (đồng ấn thao thụ). Có thể thấy rằng các con dấu gốm đã tìm được trong văn hóa Hoa Lộc, văn hóa Bàu Tró chỉ in các hình trang trí. Khi chữ Hán đã truyền vào Việt Nam thì chúng ta gặp nhiều con dấu thời Hán như dấu “Tư phố huyện ấn” (hiện được cất giữ ở Bảo tàng Bỉ), các con dấu tìm được ở di chỉ Thiệu Dương, Thanh Hóa. Hoặc là chúng ta đã tìm thấy các phong nê ở Quảng Nam cho ta biết ảnh hưởng của Đạo giáo thời kỳ sớm.

       Sự ra đời của ấn chương Việt Nam gắn liền với việc sử dụng chữ Hán trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Ở nước ta, chữ Hán đã có mặt từ đầu thế kỷ thứ nhất TCN, khi Triệu Đà đã hoàn thành việc thôn tính Việt Nam (thế kỷ II - TCN) chữ Triện đã được sử dụng trên đất nước Việt Nam. Sau này nước ta giành được quyền độc lập, chữ Hán, tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) vẫn được tiếp tục sử dụng để xây dựng quốc gia độc lập và phát triển văn hóa dân tộc.

        Ở lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, ấn tín tồn tại phát triển khá phong phú. Trong lòng các ngôi chùa cổ và nhất là những ngôi đền, điện thờ thuộc Đạo giáo và thậm chí cả ở tư gia của một số thầy pháp ở nước ta hiện nay còn bảo lưu rất nhiều ấn tín thuộc lĩnh vực này. Đó là những quả ấn gỗ, đôi khi là ấn đồng có ngoại hình tạo tác đơn giản nhưng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Chỉ tính riêng một ngôi điện thờ đức Thánh Trần cách Hà Nội hơn 30km chúng tôi đã tìm thấy gần 30 quả ấn gỗ khác nhau có niên đại cách ngày nay trên dưới 200 năm.

       Giá trị của những quả ấn thuộc lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng không phải là ngoại hình với nhiều kiểu chạm khắc như ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mà là nội dung văn khắc trên một con dấu. Đó là những hình dấu khác nhau trên các loại văn bản tấu, sớ, bùa chú có nội dung khác nhau. Ở Phật giáo là những lá sớ mà dưới chữ “Thiên vận” hoặc “Tuế thứ” bao giờ cũng có hình dấu vuông in bốn chữ Phật pháp tăng bảo. Ấn dấu Phật pháp tăng bảo được tìm thấy ở nhiều ngôi chùa khác nhau với kích cỡ, bố cục tự dạng khác nhau nhưng đều có chung nội dung bốn chữ như trên.

       Đạo giáo Việt Nam bao năm nay tồn tại bên cạnh Phật giáo, hòa trộn cùng Phật giáo với tiền Phật hậu Thánh, tiền Thánh hậu Phật. Sự đa dạng của Đạo giáo là các ngôi đền, điện thờ đức Thánh Trần, công đồng tam, tứ phủ cùng chư vị Thánh mẫu v.v… đã được hiện vật ấn tín chứng minh. Những ấn dấu lớn về Trần Hưng Đạo như Cửu thiên vũ đế Trần triều Hưng Đạo đại vương chi ấn, Trần Hưng Đạo vương ấn. Về Điện súy Phạm Ngũ Lão như Trần triều điện súy, Trần triều điện súy thượng tướng quân quan nội hầu chi ấn. Về công đồng như Tam phủ công đồng ấn và Nam tào bắc đẩu, Thiên lôi thần tướng v.v… Tất cả đã vẽ nên bức tranh tôn giáo tín ngưỡng sinh động, đượm màu sắc văn hóa dân gian Việt Nam tồn tại qua bao thế kỷ.

     Có thể nói rằng sự đa dạng phong phú của ấn tín tự do trong các lĩnh vực thương mại, văn hóa nghệ thuật và tôn giáo tín ngưỡng thục sự sẽ trở thành mảng đề tài không nhỏ trong ấn chương học. Nhìn từ góc độ khoa học xã hội và văn hóa nói chung thì công tác nghiên cứu ấn chương cũng như một số lĩnh vực khác như bia ký, minh văn v.v… đòi hỏi ở mỗi người nghiên cứu một tri thức liên ngành. Ngoài gốc cơ bản chữ Hán Nôm, những tri thức rất cần thiết bên cạnh ngữ văn học là lịch sử, triết học, tôn giáo, văn hóa dân gian và cả khảo cổ học nữa. Nghiên cứu ấn chương Việt Nam cũng góp phần chứng minh cho công tác Hán Nôm - Một khoa học liên ngành, một dạng văn hóa học trong nền tảng khoa học và văn hóa của dân tộc Việt Nam.

       6. Ấn Chương với Thuật số cải vận trong Đạo Giáo Khoa Nghi

     Trong thuật số cải mệnh liên quan đến khoa nghi Tôn giáo thì Đạo giáo, Đạo sĩ sau khi xem xét mệnh số  con người thấy có thiếu khuyết ấn tinh trong mệnh sẽ thực hiện nghi thức thông linh thần tiên cầu xin mượn ấn để bổ khuyết cho mệnh lý. ấn tín sau khi được mượn sẽ thực hiện nghi lễ mượn ấn để tỏ ý có ấn tinh cư mệnh thuận lợi trong chốn quan trường

Thảo luận về chủ đề này
Danh mục

Giỏ hàng